Tôm hùm là loại thủy sản được nhiều người dân nuôi trồng và trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Mặc dù được đánh giá là một trong những mặt hàng giàu tiềm năng, có giá trị kinh tế cao và có thể xuất khẩu sang nước ngoài để bán song giá cả của tôm hùm dao động thất thường luôn là vấn đề làm đau đầu người nuôi loại thủy sản này. Đã có thời gian, giá tôm hùm chạm đáy, đạt thấp kỷ lục hoặc tồn động hàng chờ giải cứu tại nhiều tỉnh khiến bà con thua lỗ nặng. Mới đây nhất, theo thông tin cập nhật được, tôm hùm rớt giá thê thảm những tháng gần đây, giảm hơn nửa giá thị trường nhưng vẫn khó bán, đối mặt trước nhiều rủi ro lớn.
Khó chồng khó khi giá tôm hùm giảm mạnh, giá thức ăn nuôi tôm tăng cao
Do giai đoạn này là vụ chính cộng với việc giá mồi tăng cao nhiều hộ khó lòng duy trì, buộc phải bán ra với giá rẻ. Người nuôi tôm hùm khu vực vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa đang lao đao vì tôm hùm rớt giá trong khi giá thức ăn tăng mạnh.
Hiện giá tôm hùm loại 3 (550g -700g) đang có giá 1,2 triệu đồng/kg. Tôm hùm loại 2 (700g – 1.000g) khoảng 1,6 triệu đồng/kg. Tôm hùm loại 1 (hơn 1kg) có giá hơn 2,1 triệu đồng/kg. Như vậy, giá tôm hùm đã giảm hơn 1 triệu đồng/kg so với cách đây 3 tháng. Tôm hùm loại 3 trước dịch có giá hơn 2,3 triệu đồng/kg. Sau đó giá rớt còn 1,6 triệu đồng/kg và hiện nay khoảng 1,2 triệu đồng/kg.
Nếu những hộ nuôi tôm hùm bông vẫn còn chút hy vọng vì càng lớn giá trị thịt tăng theo. Còn các hộ nuôi tôm hùm xanh ngược lại, vì tôm càng nuôi tỷ lệ lỗ vốn, rủi ro càng tăng theo. “Đặc điểm của tôm hùm xanh khi trọng lượng đạt từ 200-400 gram là có thể xuất bán. Nếu nuôi thêm tôm lớn rất chậm, trong khi tiền thức ăn lại tăng lên. Nếu không cho ăn đủ, tôm hùm xanh sẽ tự cắn lẫn nhau trong lồng. Thời gian nuôi từ 6-8 tháng mà không xuất bán người nuôi sẽ thiệt đơn, thiệt kép”, ông Hồ Trong Kha, một hộ nuôi tôm giải thích.
Chi phí phát sinh tăng cao, người dân chấp nhận giá mua thấp để bù lỗ
Giá tôm hùm đang giảm mạnh một phần xuất phát từ việc vận chuyển tôm trong dịch COVID-19 để xuất sang Trung Quốc đang gặp hàng loạt trở ngại. Chúng cần nhiều loại thủ tục để lưu thông bằng phương tiện đường bộ. Trước đây, mỗi kg tôm vận chuyển bằng xe ô tô xuất theo đường tiểu ngạch khoảng hơn 20.000 đồng/kg (giá vận chuyển). Nhưng giờ phải chở tôm bằng máy bay sang Trung Quốc nên giá vận chuyển tăng hơn 300.000 đồng/kg. Do đó, thương lái buộc mua thấp tại bè người dân để bù lỗ cho chi phí này.
Bên cạnh đó, Trung Quốc, thị trường tiêu thụ tôm hùm lớn cũng bùng phát dịch trở lại. Đây là lý do ảnh hưởng đến việc tiêu thụ tôm hùm trong giai đoạn trước Tết Trung Thu. Giá thực phẩm (mồi) nuôi tôm lại tăng mỗi ngày. Nhất là khi địa phương bắt đấu áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch.
Trước khi dịch bùng phát, do người dân đi lại, đánh bắt thoải mái nên giá mồi (các loại sò, óc, cua, hàu…) chỉ từ vài nghìn đồng đến dưới 30.000 đồng/kg tùy loại. Nhưng khi giãn cách, người dân không được ra khỏi nhà. Vì vậy đi đánh bắt và đi giao mồi cũng hạn chế nên giá mồi đã tăng 2-3 lần.
Xem thêm: Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh chế biến thủy sản, nâng cao hiệu quả kinh tế
Thị trường tôm hùm trong nước đang bị phụ thuộc
Theo các tiểu thương, tôm tồn đọng vì thị trường trong nước đã đóng băng. Hàng loạt thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trong khi đó, thị trường nước ngoài đã ngưng thu mua nhiều tháng nay. Một số ít vẫn xuất đi được theo đường tiểu ngạch với số lượng hạn chế.
Có trường hợp một số tiểu thương liên hệ được thị trường thu mua, gom hàng xuất đi nhưng lại bị trả về. “Hàng bị trả về do phía đối tác không nhận vì giãn cách xã hội, tiêu thụ không được. Chúng tôi lại phải thuê người nuôi giúp chờ đối tác. Hàng trả về bị chết nhiều, lỗ vốn nên giai đoạn này không dám gom hàng”, chị Hằng, một tiểu thương ở huyện Vạn Ninh cho biết.
Cũng theo Chủ tịch Hội nông dân huyện Vạn Ninh, trước nay người dân và các thương lái ở địa bàn làm ăn còn manh mún, chưa có sự liên kết khoa học. Vì vậy bị phụ thuộc rất nhiều vào các đầu nậu lớn cũng như thị trường. Khi thị trường bị ảnh hưởng, người nuôi thiệt thòi đầu tiên.