Ngày 11/08, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ phương án điều chỉnh thuế xuất khẩu các măt hàng vàng và thống nhất mức thuế chung đối với các sản phẩm vàng không phụ thuộc vào hàm lượng vàng hiện nay. Cụ thể, tăng thuế xuất khẩu mặt hàng vàng có hàm lượng vàng dưới 95% lên 2%, và không phân chia rõ ràng hàm lượng vàng như quy định trước đây để đơn giản hóa kế hoạch thuế quan. Trước phương án đề xuất được đưa ra, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) đã đưa ra những kiến nghị cân nhắc giữ nguyên thuế xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ ở mức 0%.
VCCI đề nghị cân nhắc lại phương án tăng thuế đối với mặt hàng vàng
“Cơ quan soạn thảo cân nhắc lại phương án tăng thuế đối với mặt hàng vàng” là đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong việc góp ý Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan do Bộ Tài chính đang xây dựng.
Theo VCCI, việc tăng thuế đối với các mặt hàng vàng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm xuất khẩu. Khiến sản phẩm vàng của Việt Nam không đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Thời gian qua, thị trường vàng thế giới và trong nước đã biến động khá mạnh. Mà nguyên nhân chủ yếu do sự bất ổn của kinh tế thế giới. Các cuộc chiến tranh thương mại và đồng USD giảm khá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác. Đặc biệt, thực tế tình hình dịch bệnh đã tác động lớn đến tâm lý của người dân trên toàn thế giới.
VGTA kiến nghĩ tiếp tục giữ nguyên mức thuế xuất khẩu vàng
Khó cạnh tranh với doanh nghiệp kinh doanh vàng nước ngoài
Đồng quan điểm với VCCI, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) cũng có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục giữ nguyên mức thuế xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ bằng 0%. Chủ tịch VGTA Nguyễn Thành Long phân tích, nếu áp dụng theo mức thuế 2% như Dự thảo, các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ không thể xuất khẩu được các mặt hàng này. Do không được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Trong bối cảnh giá vàng nguyên liệu trong nước luôn cao hơn giá vàng quốc tế. Dao động từ 6 – 8 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng Việt Nam rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ảnh hưởng kim ngạch xuất khẩu chính
Mặt khác, nếu quy định mức thuế xuất khẩu như dự kiến là 2%, việc xuất khẩu chính ngạch của các doanh nghiệp sẽ không có. Và xuất khẩu lậu qua biên giới sẽ tăng mạnh, rất khó kiểm soát. Đồng thời cũng sẽ gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tiền tệ. Do hành vi buôn lậu vàng qua biên giới. Trước mắt, nếu cơ quan quản lý cần hạn chế xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng cao từ 95% trở lên; thì có thể giữ mức thuế xuất khẩu theo quy định hiện hành. Tức là mức thuế 0% đối với vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng vàng từ dưới 95%; còn từ 95% trở lên thì vẫn mức 2% thuế xuất khẩu.
Cũng theo VGTA, trong thời gian qua, nhờ kết quả đầu tư và chính sách quản lý thuế tương đối hợp lý nên kim ngạch xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ của Việt Nam tuy chưa thể so sánh với các nước trong khu vực nhưng có kết quả tương đối khả quan. Theo số liệu Tổng cục Hải Quan, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm 2020 đạt 2,6 tỷ USD; năm 2019 là 2,1 tỷ USD; tăng lần lượt 23,8% và 231,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tập trung chủ yếu mặt hàng đồ kỹ nghệ và các bộ phận của đồ kỹ nghệ bằng vàng. Đã hoặc chưa mạ hoặc dát phủ kim loại quý. Và có hàm lượng vàng dưới 95%.
Lí do Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh thuế xuất khẩu các mặt hàng vàng?
Khó khăn trong việc tính thuế
Ngày 11/8, tại Dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh thuế xuất khẩu các mặt hàng vàng. Bao gồm đồ mỹ nghệ vàng và các bộ phận rời đồ mỹ nghệ vàng. Có hàm lượng vàng dưới 95% tăng thuế từ 0% lên 2%. Bởi, quy định thuế xuất khẩu như hiện nay đang gây khó khăn trong tính thuế.
Theo cơ quan hải quan, tiêu chuẩn mặt hàng vàng có thuế suất 0% và 2% rất khó phân biệt. Nên việc tính thuế đều căn cứ theo khai báo của doanh nghiệp. Cơ quan hải quan không có đủ cơ sở để kiểm tra. Các công ty thực hiện giám định chất lượng vàng trước khi xuất khẩu đều thể hiện hàm lượng vàng dưới 95%. Các chứng từ giám định lại của đối tác nước ngoài đều dưới 95%.
Trong khi đó, theo quy định hiện hành về quản lý mặt hàng vàng, các công ty không được phép xuất khẩu vàng nguyên liệu. Chỉ được xuất khẩu vàng mỹ nghệ, vàng trang sức theo Giấy phép đăng ký kinh doanh. (Vàng, trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng vàng từ 8 kara trở lên. Đã qua gia công chế tác để phục vụ nhu cầu trang trí, mỹ thuật). Song, các quy định này không nêu cụ thể về các điều kiện hoặc tiêu chuẩn của vàng mỹ nghệ xuất khẩu, nên việc xác định phân loại để tính thuế xuất khẩu mặt hàng này trên thực tế gặp nhiều khó khăn.
Thống nhất 1 mức thuế xuất khẩu sẽ giải quyết được vấn đề
Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất thống nhất chung 1 mức thuế suất đối với các mặt hàng vàng. Bằng cách điều chỉnh thuế xuất khẩu các mặt hàng vàng có hàm lượng vàng dưới 95% từ 0% lên 2%. Và không phân biệt theo hàm lượng vàng như hiện nay sẽ giải quyết được vướng mắc này. Ngoài ra, Bộ Tài chính dự kiến sẽ gộp dòng theo tên gọi mặt hàng theo đúng Danh mục thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN) mà Việt Nam đã ký kết. Không chia cụ thể theo hàm lượng vàng để đơn giản hóa biểu thuế trong thời gian tới.